1. Bấm còi xe
Với hầu hết các dòng xe hiện nay, dù đã tắt máy, rút chìa khóa, thậm chí chìa khóa để cách xe một khoảng rất xa, vẫn có thể bấm còi xe. Đó là bởi còi xe dùng nguồn điện kết nối trực tiếp với bình ắc quy. Ắc quy trong bình hoàn toàn có thể cung cấp nguồn điện cho còi bấm được nhiều giờ liên tục.
Trong trường hợp chẳng may bị bỏ lại trên xe mà không có các thiết bị liên lạc với bên ngoài, trẻ nên đến vị trí của còi xe, bấm còi liên tục để thu hút sự chú ý của người xung quanh. Đây là cách đơn giản và đỡ tốn sức nhất mà hầu như trẻ em nào cũng có thể thực hiện nếu được hướng dẫn từ trước.
2. Bấm đèn khẩn cấp
Tương tự còi, đèn khẩn cấp (đèn hazard) vẫn có thể hoạt động khi xe đã tắt điện và dù cho có bị khóa từ bên ngoài. Chỉ cần bấm nút, đèn báo khẩn cấp được lắp ở 2 góc phía trước và 2 góc phía sau xe ô tô sẽ chớp liên tục, ở một số xe còn kèm theo tiếng động, giúp thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh.
Nút đèn hazard trên khung điều khiển xe ô tô rất dễ nhận biết với hình tam giác màu trắng trên nền đỏ. Giáo viên, phụ huynh rất dễ hướng dẫn các em vị trí của đèn này và cách bấm nút. Các em có thể kết hợp cùng lúc bật đèn hazard và bấm còi.
3. Tìm nút mở khóa ở ghế tài xế
Trong trường hợp xe đang đậu ở nơi gần như không có người xung quanh, trẻ em nên tìm đến các nút bên hông ghế tài xế. Ở đó, nhiều dòng xe hiện nay thường sẽ có 2 nút bấm có hình ổ khóa mở và ổ khóa đóng. Trẻ em chỉ cần bấm vào nút ổ khóa mở, sau đó kéo tay cầm cửa hướng ra ngoài và đẩy ra là mở được cửa.
Hiện nay, hầu hết các dòng xe đều có thể mở khóa từ bên trong. Một số dòng xe đời mới khi bấm nút mở khóa, cửa kính xe ô tô cũng đồng thời được hạ xuống, thêm một lối thoát cho các em.
Nút bấm ở ghế tài xế này thường dễ nhận dạng, trẻ có thể tập một hai lần là biết cách sử dụng. Ở một số xe, ghế phụ tài cũng có những nút tương tự.
Theo trang Tuổi Trẻ .VN