BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG CHĂM SÓC VỆ SINH CHO TRẺ CÁC ĐỘ TUỔI TRONG TRƯỜNG MẦM NON

Thứ ba, 10/5/2022, 10:3
Lượt đọc: 12460

Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là một nhiệm vụ quan trọng trong trường mầm non. Mục tiêu chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non là giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp một. Để trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh ngay từ đầu chúng ta cần phải có một chế độ dinh dưỡng ăn uống hợp lý. Thời gian hoạt động, ăn, ngủ của trẻ ở trường mầm non chiếm tỷ lệ khá lớn so với thời gian trong ngày. Vì vậy, cùng với gia đình, trường mầm non có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non cần có những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ lứa tuổi mầm non.

Ảnh đại diện

PHẦN I – CỦNG CỐ KỸ NĂNG CHĂM SÓC VỆ SINH CHO TRẺ

I.Vệ sinh chăm sóc trẻ giờ ăn

Yêu cầu

Trẻ ngồi ăn phải có bàn ghế. Bàn ghế phải được lau chùi bằng khăn ẩm sạch trước và sau bữa ăn. Cô phải rửa tay và đeo khẩu trang để chia ăn và cho trẻ ăn. Trẻ được đi vệ sinh trước khi ăn.Trước khi ăn, mặt, mũi, tay trẻ phải sạch sẽ. Các dụng cụ đựng thức ăn, bát, thìa phải được hấp hoặc luộc sôi trước khi ăn. Các xoong thức ăn phải được đặt trên bàn hoặc ghế.

Kỹ năng cho trẻ ăn bột, cháo (7-12 tháng, 12-24 tháng)

Chuẩn bị trước khi ăn

- Kê và lau bàn, mỗi bàn 3-4 ghế khung hoặc ghế có tay vịn và 1 ghế cho cô.

- Bát, thìa (số bát bằng số trẻ và dư vài cái, đối với trẻ ăn bột số thìa  gấp đôi số trẻ vì phải dùng thìa sạch cho trẻ uống nước).

- Khăn mặt sạch và khăn lau tay (dư hơn số trẻ)

- Đĩa để đựng bột, cháo rơi

- Khăn lau bàn

- Cốc uống nước sau khi ăn

- Cô cho trẻ đi vệ sinh. Cô rửa tay, lau mặt, đeo yếm cho trẻ trước khi ăn.

- Chia bột, cháo: Bày bát ra chia, quấy đều nồi bột (cháo) và múc đều ra các bát. Nên chia dư một vài bát để cho trẻ nào muốn ăn thêm.

Trong khi ăn

Với trẻ ngồi vững, cô cho trẻ ngồi vào ghế, cô ngồi đối diện trước mặt trẻ, xúc lần lượt cho từng trẻ ăn. Bát của trẻ nào đặt trước mặt trẻ đó.

Trẻ ngồi chưa vững, cô phải bế từng trẻ cho ăn.

Trước khi cho trẻ ăn, cô phải thử bột, cháo bằng cách: áp bát vào lòng bàn tay, thấy vừa ấm thì cho trẻ ăn hoặc dùng thìa riêng xúc một thìa bột (cháo) để nếm thử, thấy hơi ấm là vừa.Cô xúc thìa vơi, gọn miệng, trẻ nuốt hết mới xúc tiếp.Trẻ đang ăn mà khóc hoặc ho, hoặc buồn ngủ thì cô phải ngừng cho ăn, lau mặt cho trẻ tỉnh, dỗ nín, đến khi trẻ hết ho cô lại cho ăn tiếp.Khi trẻ ăn, không được bịt mũi, ngáng mồm, hất đầu ngửa cổ để bắt trẻ ăn. Đối với những trẻ hay nôn trớ, cô chú ý cho trẻ ăn từ từ, từng ít một, xúc thìa vơi và không đưa sâu thìa vào miệng trẻ. Không cho trẻ vừa nằm vừa ăn. Nếu trẻ ỉa đùn, đái dầm phải thay ngay cho trẻ, rồi tiếp tục cho trẻ ăn hết suất.

Sau khi ăn

- Trẻ ăn xong, cô lau miệng, lau tay, cho trẻ uống nước, cởi yếm cho trẻ. Với trẻ 8 - 9 tháng tuổi trở lên  tập cho trẻ uống nước bằng cốc.

- Cô lau bàn bằng khăn ẩm sạch, dọn bát thìa.

- Cô quét nhà, lau nhà. Cô giặt khăn, yếm của trẻ bằng xà phòng, phơi nắng.

Kỹ năng cho trẻ 24-36 tháng ăn cơm

Chuẩn bị trước khi ăn

Kê và lau bàn, mỗi bàn 5-6 ghế cho trẻ. Bàn chia cơm, ghế ngồi của cô chia cơm. Bát, thìa (dư vài cái) của trẻ.  Bát, thìa đựng cơm và canh. Khăn mặt sạch. Đĩa để đựng thức ăn rơi Khăn lau bàn (cô lau). Khăn lau tay, đĩa đựng. Khay để chia cơm. Nước uống, cốc uống nước sau khi ăn.Nước muối loãng cho trẻ súc miệng. Cô nhắc trẻ đi vệ sinh. Cô rửa tay, lau mặt, đeo yếm cho trẻ trước khi ăn. Cô đeo khẩu trang chuẩn bị chia cơm và cho trẻ ăn. Lưu ý không để trẻ chờ lâu quá 10 phút.

Chia cơm

 Bày bát ra bàn. Cô đánh tơi cơm. Chia bát 1: Cô chia cơm, chia thức ăn mặn vào bát rồi trộn đều cơm và thức ăn mặn. Nên chia dư một vài bát để cho trẻ nào muốn ăn thêm.Cô mang đến bàn cho trẻ. Cô chia cơm và canh ra bát to, mang đến từng bàn. Trẻ ăn hết bát 1, cô lấy cơm và canh cho trẻ tại bàn ăn.

Tiến hành cho trẻ  ăn

Cô nhắc trẻ mời cơm.

Trong khi trẻ ăn, cô đi lại nhắc nhở trẻ.

Cô nhắc nhở trẻ xúc thạo ngồi ngay ngắn, nhai kĩ, không nói chuyện, không bốc thức ăn, không đánh rơi vãi, không xúc cơm và thức ăn sang bát bạn.

 Với trẻ ăn yếu và xúc chưa thạo, cô hướng dẫn trẻ tự xúc ăn, cách cầm thìa, động viên trẻ ăn.

 Cô bao quát, xử lý kịp thời các tình huống: trẻ nôn, hóc sặc, trêu đùa nhau…

Trẻ ăn xong

Cô nhắc trẻ để bát, thìa vào nơi quy định, cất ghế.Cô cởi yếm, lau miệng, lau tay, cho trẻ uống nước và cho trẻ đi vệ sinh.Cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng. Cô dọn dẹp, lau bàn, lau nhà, giặt khăn, yếm.

NHỮNG LƯU Ý TRONG TỔ CHỨC ĂN CHO TRẺ NHÀ TRẺ

Ngoài những yêu cầu tổ chức giờ ăn cho trẻ, cần chú ý làm tốt những việc sau:

Kê xếp bàn ghế thuận tiện để cô có thể bao quát, nhắc nhở, hỗ trợ trẻ.

Cô phải rửa tay sạch sẽ trước khi chia ăn và cho trẻ ăn.

Trẻ đi vệ sinh, rửa tay, lau mặt, đeo yếm trước khi ăn.

Cho trẻ uống nước, súc miệng nước muối sau khi ăn.

Phòng tránh nguy cơ không an toàn trong tổ chức ăn:

Bỏng : thức ăn mang từ nhà bếp lên còn đang nóng không chú ý trẻ có thể va, vướng phải gây bỏng cho trẻ.

Sặc thức ăn: trẻ vừa ăn vừa cười đùa hoặc khi trẻ đang khóc mà cô cố ép trẻ ăn, uống đều rất dễ gây sặc cho trẻ.

Dị vật đường ăn: thường gặp là hóc xương do chế biến không kĩ.

Cách kê xếp bàn ghế hợp lý tạo điều kiện cho giáo viên có thể bao quát, nhắc nhở và hỗ trợ trẻ khi tổ chức ăn

 

 

Tổ chức cho trẻ ăn ở tuổi mẫu giáo

Chuẩn bị trước giờ ăn

Kê bàn, lau bàn. Bát, thìa (dư vài cái) của trẻ  Bát, thìa đựng cơm và canh.Khăn mặt sạch. Đĩa để đựng thức ăn rơi. Khăn lau bàn.Khăn lau tay, đĩa đựng.Khay để chia cơm.Nước uống, cốc uống nước sau khi ăn.Nước muối loãng cho trẻ súc miệng. Bàn chải đánh răng, kem đánh răng đối với trẻ 5 tuổi.Từng tổ đi kê ghế theo quy định của cô. Mỗi bàn 8 ghế.Trẻ ở từng bàn ra đi vệ sinh, rửa tay, lau mặt theo đúng yêu cầu vệ sinh. Cô rửa tay, đeo khẩu trang chuẩn bị chia cơm và cho trẻ ăn. Lưu ý không để trẻ chờ lâu quá 10 phút.

Chia ăn

Bày bát ra bàn. Cô đánh tơi cơm. Chia bát 1: Cô chia cơm, chia thức ăn mặn vào bát đặt vào khay. Nên chia dư một vài bát để cho trẻ nào muốn ăn thêm.Trẻ trực nhật ở các bàn bưng khay cơm về bàn ăn. Cô chia cơm và canh ra bát to, mang đến từng bàn. Trẻ ăn hết bát 1, tự lấy cơm canh.

Trong khi ăn

Trẻ trộn đều thức ăn với cơm và tự xúc ăn.

Trong bữa ăn, cô nhắc nhở, động viên trẻ ăn chậm, ăn yếu cố gắng ăn hết suất.

Cô nhanh nhẹn, hoạt bát bao quát trẻ, xử lý kịp thời những tình huống xảy ra trong khi ăn.

Khi ăn xong

Ăn xong trẻ tự cất ghế. Trẻ trực nhật cùng cô thu dọn, lau bàn. Trẻ tự lau miệng, uống nước, súc miệng nước muối.Đối với trẻ 5 tuổi tự đánh răng.Trẻ đi vệ sinh theo nhu cầu.Cô quét, lau nhà, giặt khăn, phơi khăn.

Vệ sinh chăm sóc trẻ giờ ngủ

Cho trẻ ngủ đúng giờ, tạo cho trẻ thói quen đến giờ là buồn ngủ và ngủ được.

Phòng ngủ thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, phòng không có bụi, ruồi muỗi, tránh tiếng ồn.

Trước khi cho trẻ ngủ, cần mở cửa thông thoáng khí và lau chùi sạch sẽ.

Trẻ ngủ tại lớp phải có giường hoặc dát gỗ cách sàn nhà tối thiểu 12 - 15cm. Có chiếu, gối,màn sạch. Mùa đông có chăn đắp ấm. Tuyệt đối không trải chiếu để trẻ ngủ xuống sát nền nhà. Ở nhóm lớp, phải tạo ra góc ngủ cho trẻ an toàn (nếu như không có phòng ngủ riêng).

Trước khi trẻ ngủ, cần cho trẻ đi vệ sinh.

Mùa đông cần cởi bớt quần áo, mũ cho trẻ.

Khi cho trẻ ngủ cần khép cửa ra vào, cửa sổ, buông rèm. Không cho trẻ đùa nghịch và nói chuyện trong khi ngủ.

Trong giờ ngủ, cô luôn có mặt trong phòng ngủ của trẻ. Cô sửa tư thế nằm cho trẻ, không để trẻ nằm sấp hoặc để tay lên ngực, kéo chăn hoặc kéo quần áo khi trẻ bị hở bụng, hở lưng. Tránh để trẻ lạnh quá hoặc nóng quá.

Nếu trẻ đái, ỉa cô phải thay ngay rồi cho trẻ ngủ tiếp.

Khi trẻ ngủ dậy, cô chú ý cho trẻ dậy dần

Vệ sinh khi đi đại tiện, tiểu tiện

Cần tập cho trẻ có thói quen đi vệ sinh vào một thời gian nhất định. Việc làm này sẽ hình thành được phản xạ có điều kiện theo thời gian và làm cho việc bài tiết của trẻ dễ dàng hơn. Lưu ý số lần đi tiểu của trẻ bình thường theo độ tuổi như sau:

Trẻ 1-3 tuổi: Tiểu tiện trung bình 8 lần/ngày

Trẻ 3-6 tuổi: Tiểu tiện trung bình 6 lần/ngày.

Cho trẻ ngồi bô

Trẻ ngồi bô vững mới cho trẻ ngồi bô.

Chỉ cho trẻ ngồi bô khi trẻ có nhu cầu đại tiện hoặc tiểu tiện.

Tư thế trẻ ngồi thoải mái, không cho trẻ ngồi lâu quá 15 phút.

Mùa hè khi trẻ ngồi bô phải có quạt; mùa đông không để chân trẻ tiếp xúc trực tiếp xuống nền nhà, phải có dép hoặc trải tải, cho trẻ ngồi nơi kín gió, quần chỉ kéo đến đùi.Cô không được vắng mặt khi trẻ ngồi bô, không để trẻ trêu bạn và nghịch bô bên cạnh, không để trẻ ngủ gật và ngồi quá lâu.Khi đặt trẻ ngồi bô, cô phải nhẹ nhàng, không nên quát mắng.Trẻ đại tiện xong, cô kiểm tra phân, nước tiểu, dùng giấy vệ sinh lau sạch phân rồi rửa sạch cho trẻ.

Rửa cho trẻ sau khi đi vệ sinh

Yêu cầu

Trước khi rửa, lau sạch phân bằng giấy mềm.Chú ý lau từ trước ra sau, không để phân bẩn vào bộ phận sinh dục của trẻ.Rửa nhẹ nhàng, rửa trực tiếp bằng tay, không được rửa bằng chân hoặc dụng cụ khác.Rửa dưới vòi nước hoặc bằng gáo múc dội. Rửa xong, cô lau khô cho trẻ (Khăn được giặt sạch hàng ngày ).Mùa đông rửa bằng nước ấm.Rửa xong cho trẻ cô cần rửa tay bằng xà phòng.

Chuẩn bị : Bô và ghế bô, Vòi nước có nối dây dài hoặc gáo dội nước, Xô hoặc chậu đựng quần áo bẩn, Xà phòng, giấy vệ sinh

Rửa cho trẻ sau khi đại tiện

Cách rửa

Trẻ dưới 18 tháng: Cô bế trẻ để rửa

Một tay cô bế trẻ, cổ, vai và phần trên lưng của trẻ đặt trên cánh tay cô, bàn tay cô cầm đùi, đầu gối trẻ; tay kia cô rửa, còn một chân trẻ gác lên đùi cô. Trẻ dưới 1 tuổi, cô phải luồn tay đỡ lấy chân của trẻ để rửa.

Cô dùng ngón tay cái rửa mu và bộ phận sinh dục trước, rồi rửa đến bẹn, dùng bốn ngón tay còn lại để rửa hậu môn cho trẻ.

Trẻ trên 18 tháng:

Cô cho trẻ ngồi xổm, mông nhổm cao, một tay cô cầm vòi hoặc gáo dội nước đưa về phía bộ phận sinh dục của trẻ rửa trước, sau đó rửa hậu môn và mông

Việc cô giáo cấm các cháu đại tiện trong lớp là phản khoa học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

Lý do: Nếu kìm nén quá trình đại tiện sẽ làm giảm sự nhạy cảm trực tiếp của đường ruột, gây ra các bệnh táo bón mãn tính, sa trực tràng, tắc ruột, trĩ.Lý do: Nếu kìm nén quá trình đại tiện sẽ làm giảm sự nhạy cảm trực tiếp của đường ruột, gây ra các bệnh táo bón mãn tính, sa trực tràng, tắc ruột, trĩ.

Lý do: Trẻ đang trong giai đoạn phát triển, các cơ quan bộ phận trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Ví dụ, cơ hậu môn của trẻ tương đối yếu, mối liên hệ giữa trực tràng và hậu môn vẫn còn lỏng lẻo, thêm vào đó, xương cùng và trực tràng lại nằm trên cùng một đường thẳng, vì thế trực tràng dễ dàng bị di động lên phía trên. Nếu không chú ý đến điểm này mà để trẻ ngồi bô quá lâu, khi trẻ dùng lực và phải nín thở, áp lực trong bụng tăng cao, trực tràng phải chịu một lực ép xuống và dễ dàng bị lòi ra ngoài khoang ruột. Đồng thời, ở tuổi này, sau khi trẻ đi vệ sinh xong, hậu môn không tự động co lại nhiều, vì thế trực tràng một khi đã bị “rơi xuống” thì khó có thể lập tức co lại vị trí ban đầu, hiện tượng này gọi là bệnh trĩ. Trẻ bị bệnh trĩ nếu nhẹ, sau khi đi đại tiện, trực tràng sẽ tự động co trở lại, lặp lại nhiều lần sẽ nặng hơn, và nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến chảy máu, phù thũng…Ngoài ra, do đang ở độ tuổi phát triển nên đặc điểm hóa học cấu thành nên cơ xương của trẻ chủ yếu là nước, trong khi đó thành phần muối vô cơ và các chất thể rắn lại tương đối ít.Vì thế, khung xương của trẻ yếu hơn người trưởng thành và có nhiều tính đàn hồi. Nếu để trẻ ngồi bô lâu, cột sống sẽ phải chịu một lực lớn, đặc biệt là với những bé có sức khỏe và dinh dưỡng không tốt, vì thế dễ dàng bị cong lệch cột sống, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ.

Quy trình rửa tay bằng xà phòng

Rửa tay theo 6 bước

Bước 1

Làm ướt tay bằng nước sạch. Dùng xà phòng  xoa vào cổ tay, lòng bàn tay, mu bàn tay, đầu các ngón tay. Chà xát 2 lòng bàn tay vào nhau

Bước 2

Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay cổ tay; cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại

Bước 3

Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên cổ tay, mu bàn tay kia và ngược lại

Bước 4

Dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại

Bước 5

Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi xoay lại

Bước 6

Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn sạch

Yêu cầu Đối với trẻ nhà trẻ: Cô rửa tay cho trẻ

    Vòi nước hoặc thùng nước để phía trước, cô cho trẻ đứng thoải mái, cô đứng sau trẻ, một tay cô đỡ phía dưới cổ tay trẻ, tay kia cô rửa cho trẻ. Cô lần lượt rửa tay cho trẻ theo các bước.

Đối với trẻ mẫu giáo: Cô hướng dẫn trẻ tự thực hiện thao tác rửa tay.

Rửa mặt

Yêu cầu

Mỗi trẻ một khăn mặt có ký hiệu riêng, khăn luôn trắng sạch.

Lau theo trình tự, từng phần của mặt được lau bằng những chỗ khăn sạch khác nhau.Mùa đông lau bằng khăn ấm.Trẻ có thói quen giữ gìn mặt mũi sạch sẽ.

Chuẩn bị

Khăn sạch, ẩm vắt trên giá (quay kí hiệu khăn ra phía ngoài).

Vòi nước hoặc thùng đựng có vòi

Chậu đựng khăn.

Cách lau mặt cho trẻ nhà trẻ

Cô lau mặt cho trẻ

Cô rửa tay sạch.

Cô ngồi trên ghế tư thế vững vàng, trẻ đứng bên cạnh, tư thế hơi nghiêng tựa vào đùi cô. Một tay cô đỡ đầu và gáy trẻ, tay kia cô rửa mặt cho trẻ.

Trải khăn trên lòng bàn tay, dùng hai góc khăn khác nhau lau hai mắt trẻ trước (lau bằng ngón cái và ngón giữa). Khi mắt sạch, dịch khăn lau tiếp sống mũi và hai lỗ mũi, dịch khăn lau miệng. Gập đôi khăn, lau trán, má, vành tai, cằm từng bên bằng từng phần của khăn. Gập tư khăn lau cổ. Lau xong cho khăn vào chậu.

Cách lau mặt của trẻ mẫu giáo

Trẻ tự lau mặt

Trải khăn lên cả hai bàn tay, tay phải lau mắt phải, tay trái lau mắt trái, rồi dịch khăn lau mũi, dịch khăn lau miệng. Gập đôi khăn, lau trán, má, vành tai, cằm từng bên bằng từng phần của khăn. Gập tư khăn lau cổ. Lau xong cho khăn vào chậu. (Lưu ý: Đối với trẻ 5 tuổi, trẻ tự giặt, vò khăn, lau xong, giặt vò lại khăn, vắt khô, phơi khăn lên giá).

Súc miệng bằng nước muối

Yêu cầu

Trẻ từ 24-36 tháng trở lên được súc miệng bằng nước muối sau khi ăn xong.

Nước muối súc miệng cho trẻ là nước muối loãng (0.9%).

Trẻ có thói quen súc miệng nước muối tốt cho răng và họng.

Chuẩn bị

Bình đựng nước muối.Cốc.Chậu, xô.Tải khô để lau.

Cách làm

Lấy nước muối loãng vào cốc ( chú ý đủ lượng).

Ngậm nước muối trong miệng (không đầy hẳn khoang miệng nếu không sẽ rất dễ bị phun ra ngoài).Khi súc miệng, hãy mím chặt môi và cố gắng đẩy nước vào mọi ngóc ngách trong khoang miệng. Súc khoảng 3-5 lần, mỗi lần khoảng 5-10 giây.Súc xong nhổ nhẹ nhàng xuống chậu hoặc xô, chú ý không làm bắn ra nền nhà.

Đánh răng

Yêu cầu

Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên, hướng dẫn trẻ biết đánh răng đúng cách.

Đối với trẻ 5 tuổi, tổ chức cho trẻ đánh răng ở trường.

Trẻ biết cách chải răng theo trình tự, biết súc miệng sạch.

Mỗi trẻ có một bàn chải riêng, có ký hiệu.Bàn chải luôn sạch sẽ. Ít nhất 3 tháng nên thay bàn chải cho trẻ một lần.

Chuẩn bị

Bàn chải đánh răng: Kích cỡ bàn chải vừa với miệng trẻ, lông bàn chải mềm

Giá để cắm bàn chải

 Kem đánh răng: Dành cho trẻ em

Cốc đựng nước sạch.

Cách đánh răng

1.Lấy nước vào cốc, nhúng ướt bàn chải

2. Tay phải cầm bàn chải, tay trái cầm tuýp kem nặn nhẹ để kem ra khỏi ống, bôi kem lên bàn chải, nhắc trẻ lấy vừa kem, không nhiều quá để kem dây bẩn ra tay và quần áo.

3. Ngụm nước súc miệng để ướt đều các mặt răng, tay phải cầm bàn chải, chải lần lượt các vùng mặt răng:

+ Chải mặt răng trước cửa hàm trên, hàm dưới: đặt bàn chải lên mặt ngoài của hàm trên và hàm dưới răng cửa chải xoay tròn 5-10 lần rồi chải hất lên đối với hàm dưới và chải hất xuống đối với hàm trên.

+ Chải mặt ngoài bên phải và mặt ngoài bên trái của hàm trên và hàm dưới: Đặt bàn chải chếch 45 độ lên mặt ngoài của hàm trên và hàm dưới răng, đánh xoay tròn rung nhẹ bàn chải 5-10 lần

+Chải mặt trong bên trái, mặt trong bên phải của hàm trên và hàm dưới: Đặt bàn chải chếch 45 độ, chải đưa đi đưa lại.

+ Chải mặt nhai : Đặt bàn chải ngang, úp xuống chải đi chải lại mặt nhai của răng ở hàm dưới, ngửa bàn chải lên chải đi chải lại răng  hàm trên.

+ Chải vùng trước, mặt trong của răng cửa hàm trên, hàm dưới: Đặt bàn chải dọc, rung kéo theo chiều vuông góc của hàm răng.

4. Sau khi chải xong các mặt răng, trẻ hớp nước súc miệng 3-4 lần cho sạch bột. Chú ý nhắc trẻ khạc nhổ vào chậu rửa quy định, không được nuốt vì nuốt có hại cho sức khỏe.

 5. Sau khi súc miệng sạch sẽ trẻ rửa sạch bàn chải, vẩy khô rồi cắm dốc ngược bàn chải lên phía trên để bàn chải khô ráo.

 

Chải lần lượt các vùng mặt răng

NHỮNG LƯU Ý TRONG TỔ CHỨC VỆ SINH CHO TRẺ

Nhà vệ sinh được thiết kế đúng quy cách, có đủ các thiết bị vệ sinh phù hợp.

Đảm bảo quy trình tổ chức vệ sinh cá nhân cho trẻ: Tổ chức rửa tay, lau mặt, vệ sinh cho trẻ khi đại, tiểu tiện.

Phòng tránh nguy cơ không an toàn khu vực nhà vệ sinh:

Ngã: Do nền ướt, trơn trượt, gờ vấp.

Ngộ độc hóa chất (xà phòng, chất tẩy rửa…): Do để trong tầm tay với của trẻ.

Đuối nước: Do chứa nước vào xô, chậu không có nắp đậy.

PHẦN II- CHẾ ĐỘ VỆ SINH Ở TRƯỜNG MẦM NON

1- CHẾ ĐỘ VỆ SINH HÀNG NGÀY

Thông thoáng khí trong phòng. Vệ sinh nền nhà: cần lau ít nhất 3lần/ ngày. Vệ sinh đồ dùng trong phòng: bàn ghế, gường…hàng ngày được lau bằng khăn ẩm

- Vệ sinh đồ dùng cá nhân: Ca, thìa, bát, khăn…

- Đồ dùng vệ sinh: Mỗi buổi chiều về phải cọ bộ 1 lượt bằng xà phòng và ngâm bô bằng dung dịch cloramin 2% hoặc nước vôi đặc. Nếu không có điều kiện 1 tuần ngâm bô 2 lần. Đối với các lớp mẫu giáo các bệ xí, các chậu rửa hàng ngày phải đánh rửa bằng xà phòng, nước sát trùng và úp vào nơi quy định

- Vệ sinh nhà bếp: nền nhà bếp phải lau hàng ngày. Sau buổi nấu, đồ dùng, dụng cụ nhà bếp được thu dọn, đánh rửa sạch, úp vào nơi quy định. Các dụng cụ chia ăn phải được luộc nước sôi, hấp trước khi dùng.

- Quét dọn sân trường

- CHẾ ĐỘ VỆ SINH HÀNG TUẦN

Mỗi tuần tổ chức tổng vệ sinh chung trong toàn trường vào 1 ngày quy định

Tổng vệ sinh trong phòng trẻ: Gồm các việc

Cọ rửa và lau khô nền nhà

Cọ rửa bàn ghế, gường cũi bằng xà phòng và phơi nắng

Quét tường, trần nhà, lau cửa, bóng đèn, cây cảnh, giá đồ chơi

Cọ rửa phòng vệ sinh, chậu xí, chậu rửa. Cọ rửa bô, xô, chậu.Ngâm bô bằng dung dịch cloramin 2% hoặc nước vôi đặc hoặc phơi nắng 

Đánh rửa các dụng cụ chia ăn: bát, thìa, ca của trẻ

Rửa đồ chơi bằng xà phòng hoặc ngâm dung dịch thuốc tím 2-4% hoặc phơi nắng

Giặt gối, giặt tất cả các loại khăn (khăn trải bàn, khăn mặt, khăn tay riêng khăn mặt luộc xà phòng phơi khô)

Phơi  đệm, phơi chiếu…

Tổng vệ sinh nhà bếp, kho

Cọ rửa nền nhà bếp

Cọ rửa toàn bộ xoong nồi, các dụng cụ náu ăn và phơi khô

Kiểm tra thực phẩm phơi khô tránh mốc, mọt

Cọ rửa và lau khô nền nhà

Quét tường, trần nhà, lau cửa, bóng đèn, cây cảnh, Lau chùi tủ giá, kệ , các biểu bảng…

Tổng vệ sinh sân vườn: Quét dọn toàn bộ sân vườn, khơi thông cống rãnh

3- CHẾ ĐỘ VỆ SINH HÀNG THÁNG, HÀNG NĂM

Hàng tháng: Mỗi tháng 1 lần làm vệ sinh tỉ mỉ nhà cửa và đồ dùng trong trường mầm non. Quét mạng nhện, giặt chăn, màn, rèm cửa, thau rửa các dụng cụ chứa nước...

Mỗi năm đóng cửa trường 3 ngày tổng vệ sinh, tu bổ trường, phun thuốc diệt muỗi….

YÊU CẦU CỤ THỂ VỚI GIÁO VIÊN

Ðầu tóc gọn gàng, sạch sẽ. Móng tay, móng chân cô phải giữ sạch.

Quần áo sạch sẽ, phù hợp với công việc.

Ðồ dùng cá nhân ngăn nắp, sạch sẽ.

Tham gia kiểm tra sức khỏe định kỳ 2lần/năm và đảm bảo quy định về sức khỏe.

Thực hiện đúng chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ, đạt các yêu cầu về vệ sinh (cho trẻ ăn đúng chế độ, ngủ đúng giờ giấc, ngủ trên giường, chơi học vừa sức).

Thực hiện chăm sóc và rèn thói quen vệ sinh cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi.

Thực hiện đúng thao tác chăm sóc vệ sinh đối với trẻ.

Dùng cho trẻ đúng đồ dùng cá nhân của trẻ.

Thực hiện đúng chế độ vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của nhóm lớp.

Theo dõi sức khỏe trẻ bằng biểu đồ phát triển và ghi chép quản lý đầy đủ.

Biết cách phòng và xử lý một số bệnh thông thường của trẻ.

Nắm được tình hình sức khỏe của trẻ trong nhóm, lớp và thường xuyên trao đổi, tuyên truyền kiến thức nuôi dạy trẻ cho cha mẹ.Tích cực thực hiện và tham mưu với các cấp lãnh đạo, kết hợp với hội phụ huynh đầu tư xây dựng, mua sắm các trang thiết bị phục vụ vệ sinh cho nhà trẻ và trường mẫu giáo. Tuyên truyền sâu rộng nội dung của vấn đề vệ sinh đến cha mẹ trẻ và cộng đồng để cùng thực hiện.

Hình thành cho trẻ có: Thói quen giữ vệ sinh thân thể. Thói quen ăn uống có văn hóa và hợp vệ sinh. Thói quen biết giữ gìn ngăn nắp đồ chơi, đồ dùng học tập. Thói quen giao tiếp có văn hóa. Mặt mũi, tay chân trẻ phải sạch sẽ, móng tay, móng chân được cắt ngắn, giữ sạch (nhắc bố mẹ cắt móng tay, móng chân cho trẻ).Tóc cắt ngắn, chải gọn gàng.Quần áo sạch sẽ, hợp thời tiết, hợp vệ sinh.Trẻ không đi chân đất trên nền nhà bẩn, bụi đất, ẩm ướt (trời lạnh phải đi dày dép, tất giữ ấm đôi chân).Trẻ từ 24 tháng tuổi đến 6 tuổi biết nhận đúng ký hiệu ca, cốc, khăn mặt, bàn chải đánh răng (5-6 tuổi). Trẻ mẫu giáo biết rửa tay, chân, mặt mũi khi bị bẩn.Trẻ có nề nếp đại, tiểu tiện đúng nơi qui định. Biết rửa tay sau khi đi vệ sinh. Rèn luyện để trẻ có thói quen vệ sinh trong ăn uống, vệ sinh cá nhân: Biết rửa tay trước khi ăn, ăn không ngậm, không để vãi, ăn hết xuất. Ăn xong biết thu dọn bát thìa, bàn ghế, xúc miệng, lau miệng, uống nước.Biết tự lấy cất gối vào giờ ngủ, không nói chuyện trong giờ ngủ. Biết xếp guốc dép, nón mũ, đồ chơi, đồ dùng vào nơi qui định và giữ gìn sạch sẽ.Rèn luyện để trẻ biết giữ vệ sinh chung, không bôi bẩn lên tường, không khạc nhổ bừa bãi và biết bỏ rác vào thùng đúng nơi quy định.

Phần III

ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO TRẺ

AN TOÀN VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

  1. Những lớp học, phòng chức năng, phòng học tạm, học nhờ không đủ điều kiện an toàn cho trẻ, yêu cầu nhà trường phải báo cáo cáo chính quyền địa phương, thành lập đoàn kiểm tra, lập biên bản tại chỗ, xây dựng kế hoạch tu sửa, nâng cấp. Kiên quyết không đón trẻ học tại những phòng học này.
  2. Trang bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ phù hợp với từng độ tuổi.

3. Bàn ghế, giá, tủ, đồ chơi ngoài trời…đã hư hỏng, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cho trẻ hoạt động học tập, vui chơi phải tiến hành tu sửa, nếu cũ quá, không sử dụng được phải thanh lý.

4. Những nơi có giếng, bể nước phải có nắp đậy an toàn.

5. Hệ thống bếp nấu bằng than, củi, ga phải được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo hệ số an toàn cho cô dinh dưỡng và phòng chống cháy nổ.

6. Hệ thống điện phải được lắp đặt cao trên tầm với của trẻ. Quạt trần, quạt treo tường phải kiểm tra các móc, nối thật chắc chắn, tránh để rơi xuống đầu trẻ.

Khuôn viên trường, lớp phải có tường bao, cánh cổng an toàn. Chỉ mở cổng khi đến giờ đón, trả trẻ.

8. Những trường có ao, hồ thì phải xây, rào kín các bờ ao, lối xuống ao. Tuyệt đối không cho trẻ chơi xung quanh khu vực ao, hồ khi không có giáo viên phụ trách .

9. Những trường được xây cao tầng, phải tuyệt đối an toàn cho trẻ ở tầng trên: Không cho trẻ bám tay, leo trèo chui  đầu qua các lỗ trên lan can và phía trên của cầu thang. Khi cho trẻ ra chơi ở hành lang tầng trên hoặc đi từ tầng trên xuống, giáo viên phải bám sát trẻ, hướng dẫn trẻ đi theo hàng, không nô đùa, chạy nhảy khi xuống cầu thang.

AN TOÀN TRONG CHĂM SÓC GIÁO DỤC TRẺ

  1. Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tình cảm, tính mạng và sức khỏe cho trẻ trong nhà trường. Giáo viên, cán bộ nhân viên không được dùng bất cứ hình thức phạt nào đối với trẻ kể cả xúc phạm bằng lời và những hành vi đe nạt trẻ.
  2. Thực hiện chế độ vệ sinh theo ngày, tuần, tháng lớp học, đồ dùng, môi trường xung quanh.

3. Kiểm tra, rà soát tất cả các loại đồ chơi, loại bỏ những đồ chơi không an toàn về hình thức, chất liệu, màu sắc.

4. Giáo viên phải tổ chức, hướng dẫn trẻ biết sử dụng đồ dùng, đồ chơi. Không để trẻ cho bất kỳ đồ dùng đồ chơi nào vào miệng; bỏ vào túi áo, quần khi đi ngủ. Khi tổ chức cho trẻ chơi với đồ chơi, nhất là trẻ nhà trẻ, giáo viên có mặt liên tục tại lớp và phải theo dõi quá trình trẻ chơi, đặc biệt trẻ chơi với những đồ chơi có kích thước nhỏ.

Giáo viên phải thường xuyên chú ý quan sát trẻ khi trẻ đi vệ sinh. Không cần có móc, then cài  bên trong của cánh cửa phòng vệ sinh. Nếu cánh cửa vệ sinh là cửa kín, giáo viên không thể nhìn thấy trẻ bên trong thì không cần thiết phải đóng cửa liên tục. Thường xuyên tẩy rửa nhà vệ sinh, tránh mùi hôi khai. Nền nhà vệ sinh luôn khô ráo, tránh trơn, trượt. Những dụng cụ đi bô của trẻ nhà trẻ phải đảm bảo an toàn: bô không sứt mẻ, nứt. Giáo viên vệ sinh, lau chùi khi trẻ đi đại tiện, tiểu tiện bằng giấy mềm. Những chất tẩy rửa nhà vệ sinh, xà phòng…phải để trên giá treo cao quá tầm với của trẻ.

6. Không trồng hoa, cây cảnh vào các dụng cụ cứng, nặng treo phía trên đầu trẻ hoặc để ở lan can tầng trên, những nơi cao có nguy cơ rơi vỡ.

7. Hàng ngày kiểm tra tay, chân trẻ, nếu thấy móng dài, yêu cầu cha mẹ cắt móng tay, chân cho con.

Khăn mặt, ca cốc uống nước của trẻ phải có ký hiệu. Không dùng chung khăn mặt, ca cốc uống nước. Trẻ phải rửa tay dưới dòng nước chảy. Những nơi chưa xây dựng và mua sắm bồn rửa phải có thùng đựng nước và vòi đủ cho trẻ vệ sinh hàng ngày. Vệ sinh cá nhân cho trẻ; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi, nhất là khi trẻ chơi với đất nặn.

9. Giáo viên thường xuyên quan sát, nhắc nhở và rèn luyện ý thức đoàn kết cho trẻ trong lớp, không được lấy các đồ chơi, đồ dùng, vật sắc nhọn đánh vào nhau. Không cào cấu vào mặt, vào mắt nhau. Khi đi ngủ, trẻ trai và trẻ gái không nằm liền nhau, nhất là trẻ mẫu giáo.

10. Cho trẻ ăn mặc phù hợp với thời tiết.Mùa đông trẻ phải được giữ ấm cơ thể, đặc biệt là ấm cổ và bàn chân. Mùa đông trẻ phải được ăn uống thức ăn ấm, rửa tay, rửa mặt, vệ sinh bằng nước ấm. Không cho trẻ đeo đồ trang sức, đeo vòng có hột hạt hoặc cho trẻ mặc quần áo có đính hột hạt.

Ngoài việc vệ sinh mắt cho trẻ hàng ngày, cần đảm bảo đủ ánh sáng trong phòng khi trẻ hoạt động để bảo vệ đôi mắt cho trẻ. Cần chú ý hoạt động của mắt khi sử dụng các phương tiện nghe nhìn. Ngoài những quy định về nội dung cho mỗi lứa tuổi, cần chú ý đến các yêu cầu về thời gian, tầm nhìn khi trẻ sử dụng các phương tiện nghe nhìn:

       - Thời gian sử dụng các phương tiện nghe nhìn theo lứa tuổi như sau:

                   + Trẻ Nhà trẻ: Tối đa 10-12 phút

                   + MG bé: Tối đa 12-15 phút

                   + MG nhỡ: 15-20 phút

                   + MG lớn: 20-25 phút

       - Khoảng cách giữa mắt trẻ với màn ảnh tối thiểu 1,2 m và tối đa là 2,4m

12. Trẻ phải được cha mẹ và người lớn đưa đến trường. Giáo viên đón trả trẻ trực tiếp từ cha mẹ, không giao trẻ cho người lạ. (Trường hợp bố mẹ không đón con được phải trực tiếp liên hệ với cô giáo về người đón trẻ).

Phần III- Kỹ năng cân đo cho trẻ

Quy định thời gian cân đo cho trẻ:

+Trẻ dưới 24 tháng: cân đo mỗi tháng 1 lần

+Trẻ trên 24 tháng: cân đo 3 tháng 1 lần

+Trẻ suy dinh dưỡng, béo phì: Cân đo mỗi tháng 1 lần.

+Nếu trẻ vừa trải qua một đợt ốm, sức khỏe giảm sút cần được kiểm tra cân nặng để đánh giá sự hồi phục sức khỏe của trẻ

Cân cho trẻ

Yêu cầu

  • An toàn
  • Thời điểm thống nhất (Vào một số ngày nhất định, nên vào giữa tháng)
  • Độ chính xác (sử dụng một loại cân, cân chính xác đến 100g)

Đo chiều cao cho trẻ

  • Đối với trẻ dưới 24 tháng : Đo chiều dài nằm của trẻ
  • Đối với trẻ trên 24 tháng: Đo chiều cao đứng của trẻ

Đo chiều cao đứng của trẻ

  • Đặt thước đo chiều cao cố định trên nền nhà phẳng và chắc, mặt thước áp sát vào tường hoặc cột thẳng đứng.
  • Trẻ mặc quần áo nhẹ, không đi giầy dép, đứng áp sát đầu, lưng, mông, bắp và gót chân vào mặt thước, hướng mặt về phía trước. Cho trẻ đứng thẳng, vai và tay buông thõng tự do ở hai bên người, đầu gối không được trùng.
  • Dịch thanh chặn nhẹ nhàng cho đến khi chạm vào đỉnh đầu của trẻ.
  • Khi đọc thì tầm mắt của người đo phải ngang với thanh chặn của thước đo sau khi đã chạm vào đỉnh đầu của trẻ.
  • Đọc kết quả đo với độ chính xác là 0,1 cm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: PHẠM THỊ HUYỀN HẠNH

Chia sẻ bài viết:

Tin cùng chuyên mục

MẦM NON ĐA PHÚC

Địa chỉ:

Quảng Luận, phường Đa Phúc, Quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng

 

 

Điện thoại: 0931595359

Tập đoàn công nghệ Quảng Ích